Tọa đàm – trao đổi về Hòa giải thương mại và giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng

Ngày 06/4/2021 Trung tâm Hòa giải thương mại Công Minh (sau đây gọi là trung tâm) phối hợp với Công ty Luật Công Khánh và Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi là ngân hàng) tổ chức buổi tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về Hòa giải thương mại và các dịch vụ pháp lý Hòa giải, giải quyết tranh chấp trong hợp đồng tín dụng.

Đến dự buổi tọa đàm trao đổi gồm có ông Trần Đình Khoái và ông Thái Văn Khánh là Phó giám đốc Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng toàn thể lãnh đạo các Chi nhánh ngân hàng cấp huyện, thành phố Huế và các phòng ban liên quan của ngân hàng hai cấp. Về phía Trung tâm có Luật sư Võ Công Hạnh Chủ tịch Trung tâm, Luật sư La Minh Tường Giám đốc Trung tâm cùng toàn thể Hòa giải viên và Thư ký của Trung tâm.

Qua buổi tọa đàm, trung tâm giới thiệu về phương thức hòa giải theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ, nhằm giúp cho ngân hàng nắm rõ hơn về quyền nghĩa vụ của Ngân hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng nói riêng và các hợp đồng kinh tế nói chung khi có vướng mắc, tranh chấp xảy ra để chọn phương thức giải quyết tối ưu, bảo đảm nhanh chóng thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Giới thiệu về tư vấn pháp lý, cung cấp dịch vụ tư vấn, xử lý giúp ngân hàng thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu của khách hàng còn tồn đọng. Về phía cán bộ ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi, tình huống vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng để được tư vấn, trao đổi.

Đây là bước khởi đầu của Trung tâm Hòa giải thương mại Công Minh giới thiệu về mục đích của Nhà nước đối với việc Hòa giải thương mại ngoài Tòa án là nhằm giảm thiểu bớt những tranh chấp mâu thuẫn không đáng có trong quá trình hoạt động kinh doanh, huy động các nguồn lực tham gia làm hoà giải viên để tổ chức hoạt động hoà giải thương mại, giảm bớt thời gian, kinh phí cho Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khi phải khởi kiện đến Tòa án. Chính sách này là phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng đã được ban hành tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp là “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.

LS  La Minh Tường

Giám đốc Trung tâm

Một số hình ảnh buổi tọa đàm

CHIA SẺ BÀI VIẾT:

Viết bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Tất cả các trường là bắt buộc.