QUY TẮC ĐẠO ĐỨC ỨNG XỬ CỦA HÒA GIẢI VIÊN THƯƠNG MẠI
THUỘC TRUNG TÂM HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI CÔNG MINH
(CMMC)

(Ban hành kèm theo Quyết định số:      /QĐ-TTHG  ngày     /11/2020
của Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại Công Minh)


Lời nói đầu

Hòa giải viên thương mại là người được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật. Hòa giải viên phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các Hòa giải viên phải tuân thủ các quy tắc và ứng xử đạo đức nghề nghiệp trong công việc, trong lối sống và trong giao tiếp; tuân thủ những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng sự thật khách quan về hoạt động tư pháp.

Để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ hòa giải viên nhằm phấn đấu, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức và uy tín của nghề nghiệp trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật. Trung tâm hòa giải thương mại Công Minh ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại như sau:

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và ứng xử của hòa giải viên (sau đây gọi là quy tắc) được áp dụng với hòa giải viên khi tiến hành hòa giải tại trung tâm hòa giải thương mại Công Minh (sau đây gọi là trung tâm).

Điều 2: Về đạo đức nghề nghiệp

a. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên phải giải quyết vụ tranh chấp một cách độc lập, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và các tình tiết có trong hồ sơ; phải khách quan, vô tư, thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không chịu tác động của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Không vì lợi ích cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc mà gây xung đột, mâu thuẫn cho các bên trong quá trình hòa giải cũng như về sau.

b. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên không được tham gia vào các mối quan hệ tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp, gia đình hoặc xã hội với một hoặc các bên trong vụ hòa giải hoặc có được lợi ích từ bất cứ bên nào của vụ hòa giải, trừ trường hợp các bên đồng ý bằng văn bản sau khi hòa giải viên công khai đầy đủ cho các bên về việc này.

Điều 3: Về ứng xử văn hóa 

a. Trong quá trình giải quyết vụ việc, tiếp xúc với các bên đương sự, hòa giải viên cần phải có thái độ làm việc một cách chuẩn mực, có lời nói nhã nhặn, lịch sự, văn minh, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của các bên, biết lắng nghe và hợp tác với các bên để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

b. Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

c. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, tôn trọng và thực hiện nội quy, quy chế của trung tâm; phát huy dân chủ, kinh nghiệm, sáng tạo của cán bộ, khi thực hiện nhiệm vụ.

d. Tích cực thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định khác về các tệ nạn của xã hội.

e. Ứng xử có văn hóa, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của lãnh đạo và đồng nghiệp; hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 4: Tôn trọng quyền tự quyết của các bên:

a. Hòa giải viên phải tôn trọng quyền tự quyết của các bên. Các bên được tự do đưa ra các quyết định một cách tự nguyện, không bị ép buộc về bất cứ nội dung nào trong vụ tranh chấp tại bất kỳ thời điểm nào của thủ tục hòa giải.

b. Hòa giải viên không được tư vấn về pháp lý hay chuyên môn cho các bên. Tuy nhiên, hòa giải viên có thể đề xuất để các bên tham vấn thêm ý kiến pháp lý hoặc chuyên môn từ bên ngoài.

c. Hòa giải viên phải tuân thủ những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng sự thật khách quan của vụ việc và tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ.

Điều 5: Bảo mật thông tin

a. Hòa giải viên có nghĩa vụ bảo mật các thông tin của các bên liên quan đến vụ hòa giải.

b. Hòa giải viên cần thông báo tới các bên và những người khác tham gia vào các phiên hòa giải về tính chất bảo mật của thủ tục hòa giải.

c. Hòa giải viên, các bên đương sự và những người khác tham gia vào thủ tục hòa giải phải tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ cho bất cứ bên nào khác về bất cứ thông tin, tài liệu có được từ thủ tục hòa giải, ngoại trừ các trường hợp:

– Các bên trong tranh chấp đã đồng ý bằng văn bản.

– Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo quy định bắt buộc của pháp luật.

Điều 6. Sự tận tụy và không chậm trễ

a. Hòa giải viên phải tận tụy với công việc và cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ mà các bên yêu cầu nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao.

b. Khi giải quyết các vụ việc, Hòa giải viên phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá chậm trể vì những nguyên nhân chủ quan.

c. Hòa giải viên phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét công khai tại phiên hòa giải, kết quả đối thoại tại phiên hòa giải, các quy định của pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc.

d. Hòa giải viên không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên hòa giải, làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách khách quan, vô tư.

Điều 7. Tính công bằng, bình đẳng

a. Hòa giải viên có trách nhiệm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để những người tham gia hòa giải thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại trung tâm.

b. Trong quá trình giải quyết vụ việc, hòa giải viên không được và không cho phép các hành vi bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân.

Điều 8: Tiền thù lao và chi phí hòa giải:

Các bên yêu cầu hòa giải chỉ chịu chi phí theo biểu thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải của trung tâm. Các hòa giải viên khi đã chấp nhận làm hòa giải viên vụ việc thì được trung tâm trả thù lao theo quy định của trung tâm. Hòa giải viên không được phép thỏa thuận với bất kỳ bên nào hoặc luật sư của bất kỳ bên nào về việc bổ sung chi phí thù lao hay các khoản chi phí khác./.